Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Kishida nhất trí ra Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ Việt Nam - Nhật Bản lên "Đối tác Chiến lược toàn diện vì Hoà bình và Thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới" tại cuộc hội đàm vào ngày 27/11, qua đó khẳng định mong muốn của hai nước cùng thúc đẩy quan hệ hợp tác trên mọi lĩnh vực lên tầm cao mới và mở rộng sang những lĩnh vực hợp tác mới. Nhadautu.vn đã có cuộc trò chuyện với GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) để nhìn lại lịch sử hợp tác đầu tư - thương mại giữa hai nước.
Nhìn lại mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản sau 50 năm, đâu là điểm ấn tượng nhất đối với Giáo sư ? GS-TSKH. Nguyễn Mại: Trong 50 năm quan hệ Việt Nam và Nhật Bản, chưa có bất cứ sự gián đoạn nào xảy ra, ngay cả trong thời kỳ cấm vận hay dịch bệnh COVID-19. Quan hệ giữa 2 nước là thân thiện, hợp tác, bình đẳng, phát triển toàn diện, cùng có lợi không chỉ về đầu tư, thương mại mà cả vốn ODA, những vấn đề liên quan tới an ninh quốc phòng, Biển Đông trên các diễn đàn hợp tác quốc tế.
Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam vào năm 2011, hợp tác với Nhật Bản đã mở ra một cánh cửa mới trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Nếu như trước khi hợp tác với Nhật Bản, chúng ta chỉ hợp tác với các nước xã hội chủ nghĩa, chỉ nhập nguyên vật liệu, sản xuất rồi xuất khẩu các mặt hàng có giá trị xuất khẩu rất thấp, thường xuyên trong tình trạng nhập siêu, nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung quan liêu bao cấp không phát triển được, thì sau khi hợp tác với Nhật Bản đã mang lại cho kinh tế Việt Nam luồng sinh khí mới khi chúng ta biết tận dụng cơ hội từ vốn, công nghệ mà các đối tác Nhật Bản mang tới, với trình độ vượt xa Việt Nam lúc đó.
Nói về thương mại điển hình có nhiều thương vụ lớn xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam sang Nhật Bản, không đơn thuần là thương mại, mà đối tác còn hỗ trợ Việt Nam cả về vốn vay với tư cách là doanh nhiệp (DN) tư bản nước ngoài đầu tiên cho Việt Nam vay vốn. Nhật Bản cũng là nước có những dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có quy mô lớn đầu tiên vào Việt Nam, điển hình là Toyota, Honda. Hai DN này nằm ở Vĩnh Phúc, gần Hà Nội, không chỉ sản xuất, cung ứng sản phẩm cho nội địa mà còn xuất khẩu xe ra các thị trường trong ASEAN.
Như vậy, các DN này đã tạo ra chuỗi giá trị toàn cầu về xe máy với nhiều linh hiện, phụ tùng của Honda sản xuất tại Việt Nam, giúp chúng ta tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị thế giới, cũng là điển hình để DN trong nước học hỏi, vươn lên. Nhật Bản là nước đầu tư lớn nhất trong lĩnh vực khai thác dầu khí thềm lục địa, điển hình nhất là các dự án của công ty Mitsui. Với trình độ cao hơn, các sản phẩm cao cấp của Nhật Bản như chất bán dẫn, sản phẩm điện tử, gia dụng, điều hoà không khí, tủ lạnh... góp phần vào phát triển công nghiệp, công nghệ thông tin, thúc đẩy Việt Nam từ nước lạc hậu trở thành một nước có nền công nghệ thông tin ngang ngửa Singapore.
Nhật Bản cũng là nước có nhiều dự án hướng tới tăng trưởng xanh, bền vững mà Việt Nam cần như: văn phòng cho thuê, khách sạn 5 sao, một số khu công nghiệp (KCN) lớn,... dần trở thành tiêu biểu cho phát triển KCN Việt Nam. Các dự án này rất phù hợp với xu hướng thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong từng thời kì, góp phần quan trọng để Việt Nam chuyển hướng từ một nước nông nghiệp sang nước công nghiệp hoá. Nhật Bản đóng góp không nhỏ trong các dự án giao thông lớn của Việt Nam. Trước đây xây dựng hầm Hải Vân, chúng ta dựa hoàn toàn vào Nhật Bản từ thiết kế, tới kỹ sư, thi công, quản lý. Nhưng sau đó, khi Việt Nam đã học hỏi được công nghệ, chúng ta đã có những DN như Đèo Cả, không chỉ thay thế được nhà đầu tư Nhật Bản mà còn làm được hầm Đèo Cả, Hải Vân 2 với chi phí rẻ hơn, nhanh hơn.
Nhật Bản cũng là nước cung cấp vốn ODA lớn nhất cho Việt Nam. Ngay cả khi chuyển sang giai đoạn ODA mới thì Nhật Bản cũng sẵn sàng cung cấp cho Việt Nam để đảm bảo tăng trưởng xanh, tích kiệm năng lượng, thực hiện cam kết net zero vào năm 2050 với thủ tục đơn giản. Từ năm 2006, khi Thủ tướng trẻ tuổi của 2 nước gặp nhau và cam kết, Nhật Bản đã không ngừng hỗ trợ Việt Nam để làm cơ sở hạ tầng hiện đại, đáp ứng được nhu cầu phát triển theo hướng hiện đại, dần đuổi kịp trình độ phát triển thế giới. Nhật Bản là một trong những đối tác quan trọng nhất của Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh thế giới phức tạp như hiện nay, thì mối quan hệ ấy càng trở nên đáng quý.
Giống như anh em, Nhật Bản ủng hộ Việt Nam cả về kinh tế, thương mại và vấn đề chủ quyền dân tộc, biển đảo. Công trình hạ tầng tiêu biểu nhất cho mối quan hệ này là cầu Nhật Tân và tuyến đường từ Hà Nội ra sân bay Nội Bài. Nhờ có Nhật Bản mà Việt Nam mới có thể làm được những công trình tiêu biểu, mang tầm cỡ khu vực và quốc tế. Có thể đánh giá, sau 50 năm phát triển thì Việt Nam - Nhật Bản là hợp tác nằm trong nhóm thành công nhất của Việt Nam về đối ngoại và hợp tác quốc tế. Giáo sư đánh giá thế nào về triển vọng quan hệ thương mại, đầu tư giữa 2 nước? GS-TSKH. Nguyễn Mại: Không chỉ các "ông lớn" của Nhật Bản đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam, mà bản thân các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản và không chỉ từ Tokyo cũng đang mong muốn tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Việt Nam. Điều này rất phù hợp với bối cảnh Việt Nam, với khoảng 97% doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNNVV), sự hỗ trợ của Nhật Bản với Viêt Nam là phù hợp và cần thiết.
Gần đây có xu hướng, nói đúng hơn là sự khéo léo của nhiều DN vừa của Việt Nam là lựa chọn các chuyên gia người Nhật - vốn là các nhà quản trị, kỹ sư hàng đầu của Nhật Bản về hưu để làm phó tổng giám đốc các công ty, tập đoàn, trở thành trợ thủ đắc lực cho các ông, bà chủ Việt Nam.
GS-TSKH. Nguyễn Mại
Gần đây có xu hướng, nói đúng hơn là sự khéo léo của nhiều DN vừa của Việt Nam là lựa chọn các chuyên gia người Nhật - vốn là các nhà quản trị, kỹ sư hàng đầu của Nhật Bản về hưu để làm phó tổng giám đốc các công ty, tập đoàn, trở thành trợ thủ đắc lực cho các ông, bà chủ Việt Nam. Hàng trăm DN Việt đang đi theo xu hướng này và có chuyên gia Nhật Bản giúp sức. Thực tế cho thấy, Nhật Bản rất nhạy cảm, dễ dàng đáp ứng yêu cầu của Việt Nam trong từng thời kỳ.
Hiện nay, các hoạt động M&A ngân hàng, đang giúp tăng năng lực hệ thống ngân hàng tư nhân Việt Nam, kể cả nhóm big 4 quốc doanh. Với sự hợp tác của nhà đầu tư Nhật Bản, nhiều ngân hàng đã đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công nghệ mới như fintech, blockchain, ngân hàng số... Trong lĩnh vực phát triển khu đô thị, Nhật Bản đang chuyển sang không chỉ mua lại dự án yếu kém như trước đây mà hiện nay DN Việt Nam và DN Nhật Bản cùng hợp tác làm dự án mới đưa lại kết quả tích cực.
Về bán buôn bán lẻ, AEON là điển hình thông qua 2 con đường là đầu tư mới và M&A. AEON không chỉ đưa lại cho Việt Nam các trung tâm mua bán hiện đại, nơi cung cấp sản phẩm của nước ngoài mà còn là nơi xuất khẩu trực tiếp nông sản, hàng Việt Nam sang AEON Nhật Bản và các nước xung quanh mà không qua trung gian, không mất thêm chi phí, làm hàng hoá Việt Nam có mặt ở nhiều nước. AEON sẽ là cơ sở bán lẻ lớn nhất Việt Nam thời gian tới. Quan trọng hơn cả trong hợp tác của Nhật Bản và Việt Nam là hợp tác sản xuất, chế tạo. Nhật Bản đưa vào Việt Nam công nghệ hiện đại nhất và chuyển giao cho Việt Nam, như Petrovietnam hiện nay không thua kém gì Petronas của Malaysia về trình độ phát triển, nguồn nhân lực chất lượng cao. Điều này có được là do sự hợp tác đặc biệt về nghiên cứu chế tạo, dịch vụ giàn khoan, khiến cho chúng ta không chỉ có thể tự chế tạo mà còn đầu tư ra nước ngoài.
Là một trong những người tham gia đặt nền móng cho quan hệ hợp tác đầu tư Việt Nam - Nhật Bản và là chuyên gia kỳ cựu về FDI, giáo sư có khuyến nghị gì đối với cộng đồng DN Việt Nam sau khi lãnh đạo hai nước đã tuyên bố nâng cấp quan hệ hợp tác lên mức cao nhất?
GS-TSKH. Nguyễn Mại: Về phía doanh nghiệp, điều chúng ta cần quan tâm hơn cả là làm sao cho DN Việt Nam lớn mạnh, trở thành những đội quân xung kích, chủ lực để đảm đương vai trò động lực quan trọng cho phát triển kinh tế, khoa học công nghệ; có vị thế ngày càng cao, dần đuổi kịp, trở thành nước phát triển trong khu vực và thế giới. Cần cung cấp thông tin đầy đủ cho cộng đồng DN và người dân hiểu rõ vai trò của các FTA, các cam kết của Việt Nam với quốc tế, từ đó, mỗi người dân/DN sẽ hiểu và tự giác tham gia hợp tác. Chúng ta cần cải cách mạnh mẽ hơn nữa nền hành chính quốc gia, giám sát hoạt động quản trị của DN để trở thành điểm đến đầu tư, thương mại hấp dẫn của thế giới; trở thành nơi đáng sống cho nhà đầu tư nước ngoài nói chung và các nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng. Xin trân trọng cảm ơn giáo sư!